CATL (kỳ 1) – Sự hình thành và thống trị của nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới
Khởi sự từ những viên pin dành cho thiết bị di động vào cuối thế kỷ XX, đến nay CATL đã thống trị thị trường sản xuất pin xe điện toàn cầu.
Nội dung chính:
- CATL bắt đầu sản xuất pin lithium cho các thiết bị di động đời đầu như máy nghe nhạc.
- Định hướng sản xuất pin cho điện thoại di động của những gã khổng lồ như Apple và Samsung đã mang đến bước ngoặt cho CATL.
- Từ sản xuất pin cho điện thoại di động, CATL bắt đầu dịch chuyển sang sản xuất pin xe điện từ năm 2006, cho tập đoàn Reva (Ấn Độ).
Trụ sở của CATL nằm ở thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, vươn mình lên trên một khung cảnh thơ mộng – với một con sông ở phía trước và những ngọn đồi xanh ở phía sau. Bao bọc xung quan tòa nhà trụ sở này – vốn được thiết kế giống với hình dáng của một module pin xe điện – là một tổ hợp nhà máy khổng lồ.
Toàn cảnh tổ hợp nhà máy và trụ sở của CATL tại thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến (Ảnh: The New York Times)
Bên trong nhà máy, các bộ phận cấu thành pin xe điện di chuyển lặng lẽ trên các băng chuyền tự động. Có rất ít công nhân, thay vì một đội quân lao động nhập cư tràn ngập trong các nhà máy, như cảnh tượng thường thấy vào thời kỳ bùng nổ sản xuất công nghiệp ở khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc thập niên 2000.
Ít ai biết rằng Ninh Đức cách đây 30 năm chỉ là một thị trấn nghèo ven biển, với cơ cấu kinh tế chủ yếu là từ hai ngành nông nghiệp là thu hoạch chè và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là nơi mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng làm bí thư trong giai đoạn 1988-1990. Nhà sáng lập CATL Robin Zeng (Tăng Lập Quần), cũng là người gốc Ninh Đức nhưng vào năm 1989, ông đã từ bỏ công việc nhà nước ở Phúc Kiến để đến tìm kiếm cơ hội ở thành phố Đông Hoản – trung tâm công nghiệp của tỉnh này vào khi đó.
Từ pin điện thoại đến pin ô tô
Ông Tăng gắn bó 10 năm đầu sự nghiệp với SAE Magnetic – một công ty Hong Kong chuyên sản xuất mắt ghi ổ đĩa máy tính – trước khi thành lập Amperex Technology Ltd. (ATL) vào năm 1999. ATL chuyên sản xuất pin lithium polymer cho các thiết bị di động đời đầu như máy nghe nhạc. Mặc dù vậy, công ty non trẻ này không có tài sản trí tuệ hay làm chủ công nghệ nào. Tăng và các đồng nghiệp quyết định bỏ 1 triệu USD để mua bằng sáng chế sản xuất pin lithium polymer từ viện nghiên cứu tư nhân Bell Labs của Mỹ.
Nhưng khi bắt đầu sản xuất pin theo công nghệ này, các kỹ sư của ATL nhận ra mọi chuyện không dễ dàng như họ tưởng. Pin lithium của ATL khi đó sẽ bị phồng khi sạc liên tục và có nguy cơ phát nổ. Điều này đe dọa đến sự sống còn của công ty vừa mới thành lập, và Tăng cùng các đồng nghiệp dành hai tuần làm việc liên tục nhằm thử kết hợp các chất điện ly khác nhau.
Cuối cùng, họ đã làm cho pin lithium polymer của ATL hoạt động ổn định hơn. Một khi đã làm được điều đó, công ty nhanh chóng cắt giảm chi phí sản xuất – một công thức mà Tăng lặp lại sau này với pin xe điện. ATL lúc đó có thể sản xuất pin với chi phí chỉ bằng một nửa so với các đối thủ Hàn Quốc. Pin lithium polymer của họ của mỏng hơn so với các mẫu mã khác, và có thể định hình cho từng thiết bị. Chỉ ba tháng sau, công ty bắt đầu có lãi.
Tính đến năm 2000, Nhật Bản vẫn thống trị ngành sản xuất pin lithium-ion với 500 triệu viên pin ra lò mỗi năm, và toàn Trung Quốc khi đó chỉ sản xuất khoảng 35 triệu đơn vị. Nhưng đến năm 2001, ATL đã xuất khẩu được 1 triệu sản phẩm này, là cấu thành trong các sản phẩm điện tử như tai nghe Bluetooth hay máy nghe nhạc.
Cũng trong năm đó, Trung Quốc gia nhập WTO và mở cửa hơn nữa cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc ATL được một công ty điện tử Nhật Bản TDK mua lại vào năm 2005. Dưới sự lãnh đạo của TDK, ATL đã tiếp thu những bài học quan trọng về kỷ luật, hiệu quả sản xuất và hoạt động kinh doanh đa quốc gia từ sự hợp tác với những công ty lớn hơn ở Nhật Bản.
Điều quan trọng nhất là TDK đã định hướng sản xuất cho ATL đến một lĩnh vực đang bùng nổ: pin cho điện thoại di động. Bằng những mối quan hệ sẵn có của TDK, ATL đã trở thành nhà cung cấp pin điện thoại cho các gã khổng lồ như Apple hay Samsung.
Một trong những nhà máy của CATL được mở rộng thêm ở Ninh Đức vào cuối năm 2021. (Ảnh: The New York Times)
Vào năm 2006, ATL bắt đầu nhận được đề nghị về khả năng phát triển và chế tạo pin cho xe điện, với yêu cầu đầu tiên đến từ công ty xe điện Reva của Ấn Độ. Nhận thấy cơ hội mới, Tăng và các cấp dưới của mình đã dành một phần ngân sách của ATL để đầu tư vào quá trình nghiên cứu và phát triển, nhằm thiết kế một kiến trúc pin mới và phù hợp hơn cho xe điện.
Cùng năm đó, họ bắt đầu thực hiện dự án này và mua các bằng sáng chế từ Mỹ để đẩy nhanh tiến độ. Vào thời điểm này, chỉ có một công ty khác ở Trung Quốc là BYD – có trụ sở tại Thâm Quyến – là có thể cạnh tranh với ATL về nguồn lực R&D trong lĩnh vực sản xuất pin xe điện.
Hai năm sau lời đề nghị từ Reva, Olympics Bắc Kinh 2008 diễn ra và sự kiện này cho phép ATL trình diễn những thành quả từ dự án nghiên cứu của mình. Chính phủ Trung Quốc, trong một động thái nhằm chứng minh sự tiến bộ công nghệ và cam kết của đất nước đối với quá trình điện hóa giao thông công cộng, đã yêu cầu sản xuất một đội xe buýt điện nhằm đưa du khách đi quanh thành phố trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.
ATL được chọn là một trong những nhà cung cấp pin chính cho những chiếc xe buýt điện này, đem lại cho họ không chỉ một hợp đồng lớn mà còn là chiến dịch marketing miễn phí cho sản phẩm pin xe điện. Ngay sau đó, trong giai đoạn 2009-2013, chính phủ Trung Quốc bắt đầu chính sách trợ cấp để thúc đẩy sự phổ biến của xe điện, xác định việc sản xuất xe điện và pin lithium-ion cho xe điện là hai lĩnh vực chiến lược quan trọng. Điều này được thể hiện rõ trong chương trình “Mười thành phố, Nghìn xe điện” ra mắt năm 2009, với mục đích tạo ra ít nhất 1.000 xe điện trên đường phố của 10 thành phố lớn ở Trung Quốc.
Các chính sách của Bắc Kinh giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thậm chí còn thuận lợi hơn cho các dự án R&D mới của ATL. Vào năm 2012, nhằm tận dụng hiệu quả hơn các khoản trợ cấp từ chính phủ và các cơ hội đến từ chúng, Tăng Lập Quần và các cộng sự tách bộ phận sản xuất pin xe điện của ATL thành một công ty mới Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL).
Cảm hứng từ ông lớn Huawei
Trong quá trình thành lập CATL, ông Tăng lấy cảm hứng từ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc là Huawei. Bản thân ông Tăng cũng rất ngưỡng mộ nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, và cố gắng tìm cách để CATL hoạt động như Huawei. Ông săn đón những tài năng người nước ngoài như Bob Galyen, chuyên gia về pin người Mỹ và cũng là một giám đốc lâu năm của General Motors.
Ngoài việc sao chép các phương thức tuyển dụng và cấu trúc phòng ban của Huawei, ông Tăng cũng cố gắng tái tạo văn hóa làm việc của Huawei, với khối lượng công việc đòi hỏi sự khắt khe nhưng yêu cầu hợp tác chặt chẽ giữa các phòng ban. CATL cũng giao cho nhân viên nhiều vai trò và yêu cầu họ làm việc thêm giờ khi công ty phát triển.
Ông Tăng cũng học theo phương pháp ưu tiên R&D của Huawei, nhằm mang lại cải tiến công nghệ thường xuyên. Công ty đã chi 11% doanh thu cho bộ phận R&D và riêng bộ phận này có tới 5.400 nhân viên tính đến năm 2017. Đối thủ lớn nhất của họ, BYD, chỉ chi khoảng 6% cho lĩnh vực này. Trên thực tế, vào năm 2019, chi tiêu cho R&D của CATL đã tăng 50%, lên khoảng 460 triệu USD.
Trong một thập kỷ kể từ khi CATL được thành lập, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phổ biến của xe điện ở Trung Quốc. Các hãng sản xuất xe điện sẽ được thuê đất giá rẻ làm nhà máy, ưu đãi thuế còn người mua xe điện được trợ giá có thể đến ⅓ giá trị chiếc xe. Điều kiện duy nhất là các hãng sản xuất xe điện sẽ phải mua pin từ danh sách cố định các nhà cung cấp – gồm toàn các công ty Trung Quốc như CATL, BYD và một số cái tên khác – nhưng không có hãng pin nước ngoài nào trong danh sách này.
Các thương hiệu ô tô nước ngoài như BMW, Volkswagen hay thậm chí là Tesla sau này, gần như chỉ có thể chọn giữa CATL và BYD. Vấn đề ở đây là BYD cũng là một hãng sản xuất xe, và họ muốn ưu tiên cung cấp pin của mình cho xe của mình, thay vì cung cấp pin cho các đối thủ. Không chỉ cung cấp pin cho các hãng xe phương Tây, CATL cũng là đối tác của các startup xe điện Trung Quốc như Nio hay Xpeng.
Trạm sạc xe điện trong khuôn viên trụ sở CATL, có thể thấy nhiều chiếc Tesla ở đây. (Ảnh: The New York Times)
Kết quả là các đơn hàng tới tấp bay đến văn phòng của CATL, và thay vì tập trung ở thị trường trong nước như BYD, CATL cũng tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài – quảng bá công ty như một đối tác sẵn sàng chiều theo ý muốn của khách hàng. Trong một thập kỷ tiếp theo, CATL đã làm việc chặt chẽ với các hãng sản xuất xe điện để tùy chỉnh pin của họ cho phù hợp với mỗi chiếc xe.
Đón đọc kỳ 2: Sóng gió ập đến
0 comments
Comments